Đền thờ hai vị vua đặc biệt nhất triều đại phong kiến Việt Nam

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành cùng nằm trong quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, được xây dựng từ thế kỷ 17 với nét kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá.

Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là một trong những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam và cũng là một trong ba vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Nơi đây từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Vua Đinh Tiên Hoàng là người dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt. Sau đó, vua Lê Đại Hành (nhà Tiền Lê) tiếp quản. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nơi đây trở thành cố đô.


Sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành được nhà Lý cho xây dựng ngay trên nền đất của kinh thành Hoa Lư xưa. Sau này, hai ngôi đền được thời Hậu Lê cho xây dựng lại theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa là 2 di tích quan trọng của khu di tích Cố đô Hoa Lư ngày nay.

Đền Vua Đinh cùng với đền Vua Lê được xếp hạng “Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”.

Hai ngôi đền là những công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ nhân dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn.

Trước mặt đền Đinh (thờ Vua Đinh Tiên Hoàng) là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ nhà vua. Các cổ vật còn lưu giữ trong đền, ngoài các kiến trúc được chạm khắc gỗ tinh xảo còn phải kể đến như: gạch xây cung điện có khắc chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký…

Theo Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư (Sở Văn hóa – Thể thao Ninh Bình), nhìn bên ngoài, hai ngôi đền vua Đinh – Lê rất có nét tương đồng nhau như đều được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, mặt ngoài chia thành 5 gian, có các cột gỗ, sân trước có sập rồng bằng đá…

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ thì có nhiều điểm khác nhau. Các kiến trúc bên trong đều thể hiện những nét nổi bật nhất, gắn với cuộc đời của hai nhà vua.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Cố đô Hoa Lư hiện nay là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ Vua Đinh, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh.

Đền thờ vua Lê Đại Hành ngoài thờ nhà vua còn thờ hoàng hậu Dương Vân Nga, công chúa Lê Thị Phất Ngân (con gái vua Lê và hoàng hậu Dương Vân Nga) đồng thời là vợ của Lý Thái Tổ sau này.

 


Bên trong các gian của hai ngôi đền thờ Vua Đinh, Lê đều được sơn son thếp vàng. Hai đền thờ có nước sơn với những hoa văn họa tiết trang trí: rồng – mây – hoa – lá… đặc biệt, ít công trình nào ở Việt Nam còn lưu giữ được.

Hàng năm, tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ hội Hoa Lư vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Trong đó, các nghi lễ truyền thống như lễ: mở cửa đền, rước nước, mộc dục, tiến phẩm… được thực hiện trang nghiêm tại hai ngôi đền.

Người dân địa phương cùng du khách thập phương đổ về khu di tích Cố đô Hoa Lư để tham dự lễ hội, dâng hương tại đền thờ của 2 vị vua, cầu mong cho đất nước được thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, muôn dân được ấm no hạnh phúc…Vua Đinh và Vua Lê là 2 vị vua đặc biệt trong lịch sử các triều đại phong kiến của Việt Nam vì hai người cùng lấy chung một hoàng hậu là bà Dương Vân Nga. Theo sử cũ, sau khi Vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, người con trai Đinh Toàn (của ông với Hoàng hậu Dương Vân Nga) còn nhỏ lên kế vị.

Trong tình thế khó khăn của con trai mình, bà Dương Vân Nga đã chủ động nhường hoàng vị của con mình cho Phó vương Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn. Lê Hoàn lên ngôi lấy tên là vua Lê Đại Hành, phong Dương Văn Nga làm Hoàng hậu, sau này hai người có chung con gái là công chúa Lê Thị Phất Ngân, sau này là vợ của Vua Lý Thái Tổ.

2 thoughts on “Đền thờ hai vị vua đặc biệt nhất triều đại phong kiến Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *